Tăng 144 đồng/kWh, mỗi gia đình sẽ mất thêm bao nhiêu tiền điện mỗi tháng?

Tiền điện trả thêm mỗi tháng của khách hàng sinh hoạt dùng dưới 50 kWh là 7.000đ/tháng. Dùng từ 50-100 kWh sẽ phải trả thêm 14.000 đồng; dùng tới 200 kWh trả thêm 31.600 đồng; và 400 kWh trả thêm 77.200 đồng...

Trả lời báo chí tại buổi họp báo về điều chỉnh giá điện chiều nay 20/3/2019, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, theo quyết định điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện được Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh ký ngày 20/3/2019, giá bán lẻ điện sinh hoạt được chia làm 6 bậc thang với mức cao nhất là 2.927 đồng/kWh.

Cụ thể, giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 từ 0-50 kWh được tính giá 1.403 đồng/kWh. Bậc 2 được tính giá 1.459 đồng cho mức tiêu thụ 51-100 kWh. Bậc 3 giá bán là 1.590 đồng cho mức tiêu thụ 101-200 kWh. Giá bậc 4 là 1.971 đồng cho 201-300 kWh; bậc 5 có giá 2.231 đồng cho 301-400 kWh; bậc 6 được tính 2.323 đồng cho 401 kWh trở lên.

giá điện tăng

Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, giá bán lẻ điện sinh hoạt được chia làm 6 bậc thang với mức cao nhất là 2.927 đồng/kWh

Giá bán điện với các hộ, doanh nghiệp sản xuất, khu công nghiệp... được chia theo giờ (bình thường, thấp điểm và cao điểm) và cấp điện áp dưới 6kV, 22kV và 110kV. Mức giá bán lẻ cao nhất cho ngành sản xuất, điện áp dưới 6kV giờ cao điểm là 3.076 đồng/kWh, thấp nhất là 970 đồng/kWh vào giờ thấp điểm với cấp điện áp từ 110kV trở lên.

Với quyết định số 648 ký ngày 20/3/2019, giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh tăng lên mức 1.864,44 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT) áp dụng từ ngày 20/3/2019, giá bán lẻ điện bình quân sẽ được điều chỉnh tăng tương đương so với giá cũ là 8,36%.

Thông tin thêm về cơ sở tăng giá điện lần này, ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, giá điện tăng 8,36% trên cơ sở kết quả kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2017 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Để ra được con số này, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, rà soát các thông số đầu vào ở tất cả khâu, phân bổ chênh lệch tỷ giá để tính toán giá điện 2019. “Phương án giá điện đã được xây dựng theo nhiều kịch bản khác nhau, trong đó có kịch bản tăng 8,36%” và mức điều chỉnh này cũng đã nhận được sự đồng ý về chủ trương của Chính phủ, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết.

Ngoài ra, Bộ Công Thương đã phối hợp với Tổng cục Thống kê đánh giá tác động của việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2019 tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI), chỉ số giá sản xuất (PPI) và tăng trưởng GDP.

Mỗi gia đình phải đóng thêm bao nhiêu tiền điện mỗi tháng?

Nói về tác động tăng giá bán lẻ điện tới các hộ dùng điện, ông Tuấn cho biết, tiền điện trả thêm mỗi tháng của khách hàng sinh hoạt dùng dưới 50 kWh là 7.000 đồng/tháng. Dùng từ 50-100 kWh sẽ phải trả thêm 14.000 đồng; dùng tới 200 kWh trả thêm 31.600 đồng; và 400 kWh trả thêm 77.200 đồng.

Với đối tượng khách hàng kinh doanh, Cục Điều tiết điện lực tính toán, mỗi hộ sẽ phải trả thêm bình quân 500.000 đồng/tháng khi giá điện tăng.

Về tác động tới hộ sản xuất, hiện cả nước có khoảng 1,413 triệu hộ sản xuất, mỗi hộ trả bình quân tiền điện hàng tháng là 12,9 triệu đồng, mức tăng thêm vào khoảng 869 nghìn đồng/khách hàng sản xuất.

giá điện tăng

Với từng đối tượng sử dụng, tiền điện trả thêm mỗi tháng của các khách hàng là khác nhau. Thấp nhất là tăng thêm 7.000 đồng

"Đối với khách hàng sử dụng nhiều điện, chúng tôi cũng tiến hành khảo sát 40 doanh nghiệp sử dụng nhiều điện trong lĩnh vực sắt thép, xi măng… Ví dụ như điện sản xuất xi măng, có khách hàng sẽ tăng thêm khoảng hơn 7%, tương đương 13 triệu đồng/tháng nhưng có khách hàng tăng thêm tới 94 triệu đồng. Đối với khách hàng sản xuất thép, hộ thấp nhất tăng 5% (khoảng 50 triệu đồng), cao 8,28%...", ông Tuấn cho biết.

Đại diện Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh, lần điều chỉnh giá điện này, cơ quan quản lý không chỉ tính tới tác động tới các nhóm khách hàng mà còn đánh giá tác động tới nền kinh tế chung.

Về tác động tới tăng trưởng kinh tế, chỉ số giá tiêu dùng, Bộ Công Thương và Tổng cục Thống kê tính toán, với mức tăng giá điện 8,36% thì sẽ làm giảm 0,22% GDP, và chỉ số giá tiêu dùng CPI sẽ tăng 0,29%. “Giá điện tăng 8,36% thì CPI năm 2019 khoảng 3,3-3,9%, vẫn đảm bảo dưới 4% theo mục tiêu Quốc hội", ông Tuấn nhấn mạnh.

EVN sẽ thu về hơn 20.000 tỷ đồng khi giá điện tăng 8,36%

Trong cuộc họp báo về việc điều chỉnh giá điện năm 2019, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho biết EVN sẽ thu về thêm hơn 20.000 tỷ đồng khi giá điện tăng 8,36%.

Số tiền này sẽ được dùng để thanh toán các chi phí đầu vào tăng thêm hàng năm. Trong đó, chi phí cho than là hơn 7.000 tỷ đồng, chi phí chênh lệch tỷ giá khí trong bao tiêu là gần 6.000 tỷ đồng. Ngoài ra, EVN cũng phải chi hơn 3.800 tỷ đồng trong số thu thêm nêu trên để thanh toán chênh lệch tỉ giá cho các nhà đầu tư không thuộc EVN.

“Chúng tôi sẽ bổ sung vào hợp đồng mua bán điện để thanh toán chi phí chênh lệch tỷ giá cho các đơn vị bán điện bên ngoài. Bộ Công Thương sẽ ra quyết định nêu rõ từng nhà máy được thanh toán tiền chênh lệch tỷ giá bao nhiêu”, ông Tri cho biết.

Bên cạnh đó, số tiền 20.000 tỷ đồng nêu trên cũng sẽ được trích ra để thanh toán bổ sung cho các nhà đầu tư về quyền khai thác nguồn tài nguyên nước, cùng một số chi phí phát sinh khác mà EVN đã tính toán.

“Tổng các chi phí tăng thêm mà EVN phải thanh toán khoảng 21.000 tỷ đồng. Chúng tôi như một đơn vị trung gian, thu tiền và thanh toán lại cho đối tác”, Phó Tổng giám đốc EVN nói.


  • Theo Tạp chí Công Thương