Soi kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2019 của các 'ông lớn' nhà nước chuẩn bị cổ phần hóa

Theo Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, có 93 doanh nghiệp nhà nước phải thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020, trong đó có nhiều "ông lớn" sở hữu khối tài sản từ hàng nghìn tỷ đồng, hàng chục nghìn tỷ đồng đến hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu tỷ đồng. Những doanh nghiệp này làm ăn ra sao trong nửa đầu năm 2019?

 

Soi kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2019 của các 'ông lớn' nhà nước chuẩn bị cổ phần hóa

Hạn chót cổ phần hóa Mobifone là năm 2020, Nhà nước nắm giữ từ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ

Agribank là doanh nghiệp lớn nhất nhận hạn chót thực hiện cổ phần hóa vào năm 2020.

Theo báo cáo tài chính riêng lẻ giữa niên độ 2019, 6 tháng đầu năm nay, ngân hàng này ghi nhận mức lãi trước thuế lên đến 7.793 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức lợi nhuận nửa đầu năm lớn nhất từ trước tới nay của ngân hàng này, thậm chí còn cao hơn lợi nhuận cả năm từ trước tới nay (năm 2018 là năm Agribank đạt lợi nhuận trước thuế cao nhất với 7.551 tỷ đồng).

Tính đến hết ngày 30/6/2019, tổng tài sản của Agribank lên đến 1,35 triệu tỷ đồng, tăng 5,5% so với hồi đầu năm. Dư nợ cho vay ở mức 1,05 triệu tỷ đồng, tăng 4,9%. Đặc biệt, tỷ lệ nợ xấu chỉ còn 1,63%, đã bao gồm nợ xấu tại VAMC.

Về nguồn vốn, vốn chủ sở hữu của Agribank đến hết ngày 30/6/2019 đạt 62.718 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm. Tiền gửi khách hàng ở mức 1,17 triệu tỷ đồng, tăng 6,5%.

Agribank thuộc diện Nhà nước nắm 65% vốn điều lệ trở lên sau khi tiến hành cổ phần hóa.

Một doanh nghiệp lớn khác cũng thuộc diện Nhà nước nắm 65% vốn điều lệ là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV).

Báo cáo tài chính riêng lẻ 6 tháng đầu năm 2019 của TKV cho thấy, nửa đầu năm nay, tập đoàn này ghi nhận 51.140 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp đạt 4.936 tỷ đồng, giảm nhẹ 3,4%.

Mặc dù lợi nhuận gộp suy giảm nhưng nhờ chi phí lãi vay giảm mạnh cùng cổ tức, lợi nhuận được chia tăng nên lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm 2019 của "trùm khoáng sản" TKV vẫn tăng 17%, lên 2.606 tỷ đồng.

Tính đến hết ngày 30/6/2019, tổng tài sản của TKV ở mức 84.578 tỷ đồng, giảm nhẹ 1,9% so với hồi đầu năm. Vốn chủ sở hữu đạt 37.237 tỷ đồng, tăng 6,4%.

Agribank lãi đậm trước thềm cổ phần hóa

Với các doanh nghiệp nhà nước nắm giữ từ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ, hai cái tên tiêu biểu nhất phải kể đến là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Tổng công ty Viễn thông Mobifone - hai "ông trùm" trong ngành viễn thông.

Theo báo cáo tài chính riêng lẻ 6 tháng đầu năm 2019, VNPT ghi nhận 21.012 tỷ đồng doanh thu thuần trong nửa đầu năm nay, giảm nhẹ 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kết thúc nửa đầu năm 2019, lợi nhuận trước thuế của VNPT ở mức 2.404 tỷ đồng, giảm nhẹ 0,5%.

Tính đến hết ngày 30/6/2019, tổng tài sản của VNPT ở mức 80.547 tỷ đồng, được hình thành từ 63.541 tỷ đồng vốn chủ sở hữu và 17.005 tỷ đồng nợ phải trả.

Mặc dù tổng tài sản chỉ bằng khoảng hơn 1/3 VNPT, vốn chủ sở hữu bằng chưa đầy 1/3 VNPT nhưng Mobifone lại ghi nhận lợi nhuận cao hơn VNPT.

Cụ thể, nửa đầu năm 2019, bất chấp doanh thu thuần giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 15.168 tỷ đồng, kéo theo lợi nhuận gộp giảm 3,9% xuống còn 4.636 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế của Mobifone vẫn đạt 2.644 tỷ đồng, tăng 8,6%.

Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) cũng là cái tên đáng chú ý trong danh sách "hàng nóng" chuẩn bị cổ phần hóa.

Kết thúc 6 tháng đầu năm 2019, doanh thu thuần của Vicem đạt trên 14.300 tỷ đồng, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế (lãi ròng) đạt trên 1.000 tỷ đồng, tăng 7,6%.

Tính đến hết ngày 30/6/2019, tổng tài sản của Vicem đạt 42.425 tỷ đồng, giảm nhẹ 0,6% so với hồi đầu năm. Vốn chủ sở hữu của ở mức 20.982 tỷ đồng, tăng 2,1%.

Vicem lãi ròng nghìn tỷ nửa đầu năm 2019

Bên cạnh các doanh nghiệp trung ương, rất nhiều "ông lớn" địa phương (chủ yếu tại Hà Nội và TP. HCM) cũng trong danh sách cổ phần hóa chậm nhất vào năm 2020, Nhà nước nắm giữ từ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ.

"Khủng" nhất là Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra). "Con cưng" của UBND TP. HCM sở hữu hệ sinh thái sản xuất - phân phối đáng mơ ước, chẳng hạn như hệ thống trung tâm thương mại Centre Mall, siêu thị Satra Mart, chuỗi cửa hàng thực phẩm tiện lợi Satra Food; Satra cũng sở hữu công ty VISSAN, đồng thời góp 40% cổ phần trong liên doanh Heineken Việt Nam...

Theo báo cáo tài chính công ty mẹ quý II/2019 của Satra, nửa đầu năm nay, doanh nghiệp này đạt doanh thu thuần 3.955 tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng với đó là hơn 2.000 tỷ đồng thu nhập khác mà nhiều khả năng thu từ liên doanh với Heineken.

Được biết, năm 2018, Satra đã nhận khoảng 2.400 tỷ đồng cổ tức, lợi nhuận được chia từ liên doanh với Heineken.

Kết thúc nửa đầu năm 2019, lợi nhuận trước thuế của Satra đạt 1.949 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính đến hết ngày 30/6/2019, tổng tài sản của Satra ở mức 17.016 tỷ đồng, tăng 12% so với hồi đầu năm. Trong đó, lượng tiền và các khoản tương đương tiền lên đến 10.147 tỷ đồng, tăng 18% và chiếm tới 60% tổng tài sản.

Về nguồn vốn, vốn chủ sở hữu của Satra đến hết ngày 30/6/2019 đạt 12.856 tỷ đồng, tăng 5,4% so với đầu năm. Nợ phải trả ở mức 4.159 tỷ đồng, tăng 37%.

Nhiều doanh nghiệp "con cưng" khác của TP. HCM có tổng tài sản và vốn chủ sở hữu hàng nghìn tỷ đồng cũng trong diện cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ từ trên 50% đến dưới 65%, có thể kể đến như: Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn (Resco), Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (Samco), Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS), Tổng công ty Bến Thành (Benthanh Group), Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn (Saigoncons), Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri).

Với Resco, mặc dù sở hữu khối tài sản lên đến trên 5.800 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu trên 4.700 tỷ đồng nhưng 6 tháng đầu năm nay, lợi nhuận trước thuế của Resco chỉ đạt vỏn vẹn 23,3 tỷ đồng, bằng khoảng 1/3 mức lợi nhuận cùng kỳ năm ngoái.

Cũng ghi nhận kết quả kinh doanh không mấy khả quan là Benthanh Group. Nửa đầu năm, doanh thu thuần của Benthanh Group giảm đột ngột 78% xuống còn 52,4 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm 2019 chỉ bằng một nửa mức thực hiện cùng kỳ năm ngoái, đạt 47,6 tỷ đồng.

Benthanh Group hiện sở hữu khối tài sản trên 3.200 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu trên 2.200 tỷ đồng.

Tích cực hơn là trường hợp của Samco. Nửa đầu năm 2019, doanh thu thuần của Samco đạt 2.585 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế đạt 201 tỷ đồng, tăng 2,7%.

Satra báo lãi nửa đầu năm giảm 20% xuống 1.949 tỷ, nắm trên 10.000 tỷ tiền và tương đương tiền

Đối với các doanh nghiệp nhà nước trong diện cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ dưới 50%, có hai doanh nghiệp sở hữu khối tài sản hàng chục nghìn tỷ đồng, thậm chí hàng trăm nghìn tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2019 của Genco 1, lợi nhuận trước thuế của tổng công ty này đạt 928 tỷ đồng, khác xa mức lỗ 1.214 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân quan trọng nhất giúp Genco 1 ghi nhận lợi nhuận khả quan là doanh thu thuần tăng mạnh, trong khi tỷ lệ giá vốn trên doanh thu thuần giảm mạnh.

Genco 1 hiện đang sở hữu khối tài sản lên đến trên 108.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu trên 24.000 tỷ đồng.

Trái ngược với Genco 1, Genco 2 ghi nhận diễn biến kết quả kinh doanh khá kém khả quan với lợi nhuận trước thuế 643 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm nay, chỉ bằng khoảng 1/4 cùng kỳ năm ngoái.

Nguyên nhân chủ yếu là do giá vốn tăng đáng kể (14%), trong khi doanh thu thuần giảm nhẹ 0,7% đã khiến lợi nhuận gộp giảm tới gần một nửa, xuống 1.558 tỷ đồng. Ngoài ra, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng 24%.

Tính đến hết ngày 30/6/2019, Genco 2 sở hữu khối tài sản 54.551 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 20.467 tỷ đồng.

 


  • Theo vietnamfinance.vn