Nhìn lại 10 năm sau cổ phần hóa Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi

Ngày 07/10/2011, Công ty DHD đã chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần theo Quyết định số 327/2010/QĐ-EVN của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Mười năm nhìn lại, Công ty DHD đã tiến một bước dài trong công tác sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển nguồn điện mới phục vụ công cuộc phát triển đất nước.

Sau khi trở thành công ty cổ phần, Công ty DHD đã xác định mục tiêu hoạt động là bảo toàn và phát triển vốn, tối đa hoá lợi nhuận, tăng giá trị doanh nghiệp, phát triển Công ty theo hướng bền vững, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, địa bàn và phạm vi hoạt động; đảm bảo việc làm ổn định và tích cực chăm lo đời sống người lao động; hoạt động sản xuất kinh doanh gắn liền với trách nhiệm môi trường và xã hội.

Trong giai đoạn đầu khi mới chuyển sang hoạt động với hình thức cổ phần, Công ty gặp rất nhiều khó khăn về tài chính khi phải chịu khoản lỗ chênh lệch tỷ giá trên 60% vốn điều lệ từ giai đoạn trước chuyển sang. Ba năm sau cổ phần hóa, năm 2014, Công ty đã phát triển ổn định, bù hết khoản lỗ tỷ giá và đã chia cổ tức cho các cổ đông với tỷ lệ 12% bằng nguồn lợi nhuận còn lại. Trong những năm tiếp theo, tình hình sản xuất kinh doanh ngày càng tiến triển, cổ tức không ngừng gia tăng và đạt mức cao nhất vào năm 2019 với tỉ lệ 24%. Ngày 19/6/2017, Công ty DHD thực hiện phiên giao dịch đầu tiên trên sàn chứng khoán UpCoM, chính thức trở thành công ty đại chúng với mã chứng khoán DNH.

Công ty DHD với mã chứng khoán DNH chính thức giao dịch trên sàn UpCom ngày 19/6/2017

Trong gần 10 năm qua, tập thể lãnh đạo và người lao động Công ty luôn nỗ lực phấn đấu hướng tới đạt mục tiêu đã xác định và đã gặt hái được nhiều kết quả nổi bật.

Hệ thống thiết bị công trình vận hành an toàn, ổn định, từng bước được nâng cấp, thay mới

Công ty DHD có hệ thống thiết bị chất lượng cao, xuất xứ từ các nước tiên tiến trên thế giới. Tuy nhiên, nhiều hệ thống đã vận hành lâu năm có dấu hiếu xuống cấp, nguy cơ sự cố, mất ổn định ngày càng cao. Trước tình hình đó, Công ty đã chủ động nâng cấp, cải tạo hoặc thay mới thông qua các dự án như: Phục hồi Hệ thống điện Đa Nhim; Nâng cấp hệ thống điều khiển Nhà máy thủy điện Sông Pha; Nâng cấp hệ thống điều khiển Nhà máy thủy điện Hàm Thuận…Trong năm 2013, Trung tâm quản lý vận hành OCC (Operation Control Center) được Bộ Công Thương phê duyệt đưa vào vận hành. Công ty DHD trở thành đơn vị đầu tiên trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam đưa vào vận hành thành công Trung tâm OCC, tối ưu hóa công tác quản lý vận hành các nhà máy điện và góp phần quan trọng trong công tác thị trường điện. Từ đây, mô hình OCC được một số đơn vị bạn học tập và triển khai.

DHD là đơn vị tiên phong trong ngành điện triển khai Trung tâm quản lý vận hành OCC

Bên cạnh việc đảm bảo sự ổn định về thiết bị, an toàn lao động cũng là một yêu cầu tiên quyết được Công ty liên tục duy trì. Trong 10 năm qua, Công ty DHD luôn là đơn vị đi đầu tại địa phương trong các phong trào thi đua về an toàn lao động, đảm bảo an ninh trật tự gắn liền với bảo vệ an ninh tổ quốc.

Đầu tư mở rộng quy mô công suất, tăng sản lượng điện lên hệ thống điện Quốc gia

Với tiềm lực sẵn có, trong 10 năm qua Công ty DHD chú trọng công tác đầu tư các nguồn điện từ năng lượng tái tạo trên lĩnh vực thủy điện và điện mặt trời.

Từ năm 2012, Công ty bắt đầu thực hiện thủ tục đầu tư Dự án mở rộng nhà máy thủy điện Đa Nhim. Dự án được khởi công xây dựng vào cuối năm 2015 để lắp thêm 1 tổ máy phát điện công suất 80MW, nâng tổng công suất nhà máy Đa Nhim từ 160MW lên 240MW. Tổng mức đầu tư của dự án là 1.952,59 tỉ đồng, trong đó 85% là vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và 15% là vốn đối ứng của Chủ đầu tư. Sau gần 3 năm xây dựng, Nhà máy thủy điện Đa Nhim mở rộng đã vận hành giai đoạn 1 với công suất 45MW đầu năm 2019. Theo tiến độ thi công, sau khi toàn bộ công trình hoàn thành, Nhà máy thủy điện Đa Nhim mở rộng phát đủ công suất thiết kế 80MW vào quý III/2021. Kể từ khi đưa vào vận hành đến cuối năm 2020, Nhà máy thủy điện Đa Nhim mở rộng đã sản xuất và cung cấp cho lưới điện Quốc gia hơn 380 triệu kWh.

Nhà máy điện mặt trời Đa Mi là Dự án điện mặt trời nổi trên hồ thủy điện đầu tiên thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam

Trong năm 2017, Công ty tiến hành thực hiện các thủ tục đầu tư Dự án Nhà máy điện mặt trời Đa Mi với công suất 47,5MWp. Công tác lắp đặt thiết bị bắt đầu triển khai trong năm 2018. Sau khoảng 10 tháng lắp đặt, Nhà máy điện mặt trời Đa Mi đã chính thức được đưa vào vận hành thương mại vào ngày 01/6/2019, vượt tiến độ 1 tháng. Tổng mức đầu tư của dự án là 1.438,87 tỉ đồng, trong đó vốn vay là 37 triệu USD từ Ngân hàng phát triển Châu Á và phần còn lại của Công ty.

Sau khi hoàn thành hai dự án phát triển nguồn điện, tổng công suất của Công ty tăng từ 642,5 MW lên 770 MW với sản lượng điện bình quân hàng năm cung cấp cho lưới điện Quốc gia khoảng 2,75 tỉ kWh.

Đầu tư tài chính hiệu quả

Bằng thực lực tài chính của mình, Công ty đã đầu tư góp vốn vào các công ty cổ phần trong ngành điện. Trong đó, Công ty nắm giữ 70% vốn điều lệ Công ty cổ phần thủy điện Hạ Sông Pha, 20% vốn điều lệ Công ty cổ phần Phong điện Thuận Bình, 2,54% vốn điều lệ Công ty Cổ phần Thủy điện A Vương, 1% vốn điều lệ Công ty cổ phần Thủy điện Sông Ba Hạ.

Kết quả đầu tư tài chính hiệu quả góp phần tăng thêm lợi nhuận cho Công ty trong nhiều năm qua.

Tình hình tài chính ổn định, tăng trưởng

Với các hợp đồng mua bán điện được ký dài hạn hoặc cho cả đời dự án, Công ty chủ động tham gia thị trường phát điện cạnh tranh, đạt kết quả về doanh thu và lợi nhuận khả quan. Trong 10 năm qua, doanh thu bình quân hàng năm khoảng 2000 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế bình quân đạt 580 tỉ đồng. Lợi nhuận 3 năm đầu sau khi cổ phần hoá (2011-2013) đã bù lỗ chênh lệch tỷ giá trong giai đoạn trước cổ phần. Từ năm 2014 đến nay, Công ty bắt đầu chia cổ tức, với mức từ 10-24%/năm.

Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi luôn ý thức rõ sứ mệnh, trách nhiệm lớn lao của mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, góp phần ổn định và phát triển nền kinh tế quốc dân, đặc biệt trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, tìm ra giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và đưa Công ty ngày càng phát triển bền vững, Ban lãnh đạo Công ty đã đề ra các giải pháp thực hiện hàng năm và chiến lược trung hạn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Với sự nỗ lực của toàn thể lãnh đạo và người lao động, công tác sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng của Công ty đang hướng đến những kết quả ngày càng tốt hơn.


  • Hồng Hà (Công ty DHD)
  • 0 nhận xét


Gửi nhận xét