Lượng nước thiếu hụt tại các hồ thủy điện trên cả nước tương đương 6,4 tỷ kWh điện

Đó là thông tin được ông Ngô Sơn Hải – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết tại buổi làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường về phương án điều tiết các hồ chứa thủy điện trên hệ thống, trọng tâm là thủy điện trên lưu vực sông Hồng trong thời gian còn lại của năm 2019 và mùa khô năm 2020. Buổi làm việc diễn ra chiều ngày 30/10, tại Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành chủ trì buổi làm việc. Tham dự buổi làm việc còn đại diện Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, Công ty Thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Tuyên Quang, Huội Quảng - Bản Chát, Thác Bà.

Bộ Tài nguyên và Môi trường làm việc với EVN về tình hình thiếu hụt nước tại các hồ chứa thủy điện trên cả nước

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Ngô Sơn Hải cho biết: Trên lưu vực sông Hồng, hiện có 6 hồ chứa thủy điện lớn (Lai Châu, Bản Chát, Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà), với tổng dung tích hữu ích 18,91 tỷ m3. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, lượng nước về các hồ trên lưu vực này trong mùa lũ năm 2019 chỉ đạt khoảng 51% so với trung bình nhiều năm.

Theo tính toán của EVN, nếu tần suất nước về các hồ chứa trên lưu vực này tiếp tục duy trì như thời gian qua, sau khi trừ 3,5 tỷ m3 nước xả phục vụ đổ ải vụ Đông Xuân 2020 (theo dự kiến của Bộ NN&PTNT), thì trong các khoảng thời gian còn lại của mùa khô năm 2019 – 2020, chỉ đáp ứng được với lưu lượng trung bình ngày ở mức khoảng 500 đến 550 m3/s đối với hồ Hòa Bình, 91 m3/s đối với hồ Thác Bà, 187 m3/s đối với hồ Tuyên Quang (chưa tính đến các nhu cầu của hệ thống điện). Như vậy, hồ Hòa Bình sẽ không thể đáp ứng được lưu lượng chạy máy theo quy định của Quy trình vận hành liên hồ chứa (600 m3/s đối với các tháng 11, 3, 5; 700 m3/s, các tháng 12, 1 và 800 m3/s đối với các tháng 2, 4).

Ngoài lưu vực sông Hồng, nhiều lưu vực sông lớn khác trên cả nước như Sông Cả, sông Mã, sông Vu Gia – Thu Bồn, sông Sê San, sông Đồng Nai, sông Sêrêpốk mặc dù đã vào mùa lũ chính vụ nhưng cũng đều có lượng nước về thấp, thậm chí nhiều hồ đã qua giai đoạn lũ chính hoặc đang trong kỳ lũ chính vụ nhưng vẫn chưa có dấu hiệu nước về, có hồ đang ở mức nước thấp hơn mực nước chết, điển hình hồ Thủy điện Trung Sơn (thấp hơn mực nước chết 1,82 mét).

“Tính đến ngày 27/10/2019, các hồ chứa thủy điện lớn trên hệ thống mới chỉ tích được khoảng 61% tổng dung tích hữu ích (21,9/35,6 tỷ m3), lượng nước thiếu hụt 13,7 tỷ m3 (tương ứng sản lượng điện thiếu hụt khoảng 6,4 tỷ kWh)”, ông Ngô Sơn Hải cho biết.

Ông Vũ Xuân Khu – Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ HTĐ Quốc gia cho biết: Theo nhận định của các cơ quan khí tượng thủy văn, tình hình khô hạn có khả năng tiếp tục xảy ra ở những tháng cuối năm 2019, việc tích nước ở các hồ chứa vẫn sẽ còn rất khó khăn. Do vậy, việc tuân thủ các quy định của Quy trình (đảm bảo mực nước hồ, cấp nước hạ du...), cũng như khả năng tích nước lên mực nước dâng bình thường vào cuối năm các hồ chứa trên lưu vực sông Hồng và gần như là không thể thực hiện được và đối với một số khu vực khác cũng sẽ khó có thể đạt được dung tích hữu ích thiết kế.

“Theo tính toán của EVN, dự kiến năm 2020 ngành Điện sẽ tiếp tục phải đối mặt với thách thức rất lớn trong việc đảm bảo cân bằng cung cầu, dự kiến sẽ phải huy động thêm 7,9 tỷ kWh các tổ máy chạy dầu với giá điện khoảng 4.000-5.000 đ/kWh và có thể tăng lên 12,5 – 16,7 tỷ kWh trong trường hợp không thể tích được các hồ lên mực nước dâng bình thường hoặc phụ tải tăng cao hơn dự báo”, ông Vũ Xuân Khu cho biết.

Chính vì vậy, ngay từ cuối tháng 8/2019, EVN đã tăng huy động tối đa các nguồn nhiệt điện, trong đó có cả nhiệt điện dầu giá cao. 

Để giải quyết những khó khăn nêu trên, EVN kiến nghị Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan thống nhất phương án điều tiết, vận hành các hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Hồng như sau: Ngoài thời gian xả nước phục vụ gieo cây vụ Đông Xuân, cho phép NMTĐ Hòa Bình giảm lưu lượng yêu cầu chạy máy xuống mức từ 400 - 450 m3/s, mực nước hồ duy trì ở mức thấp hơn so với quy định, đến ngày 31/12 duy trì ở mức 107m, tránh áp lực phải chạy cao các hồ chứa bậc thang trên nhằm dự trữ năng lượng cho các tháng nắng nóng trong mùa khô đầu năm 2020.

Đối với các lưu vực sông Sê San cho phép điều chỉnh giảm lưu lượng chạy máy tối thiểu của các hồ Pleikrong, Ialy, Sê San 4 trong mùa mưa và cho phép tích sớm lên MNDBT ngay sau khi kết thúc lũ chính vụ. Sớm có giải pháp điều chỉnh lưu lượng và thời gian xả đối với các hồ chứa gần như không thể tích nước trong thời gian tới (lưu vực sông Cả, sông Mã)

Bộ NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị, địa phương có liên quan khẩn trương thực hiện các giải pháp trước mắt và lâu dài và sớm có những phương án để chủ động lấy nước phục vụ tưới vụ Đông Xuân 2019-2020 trong điều kiện lượng nước xả từ các hồ chứa Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà thiếu hụt so với mọi. Đặc biệt là giải pháp lắp đặt các trạm bơm dã chiến để có thể bơm lấy nước từ sông Hồng không phụ thuộc vào việc xả nước từ các hồ chứa thủy điện.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành năm nay là năm thời tiết diễn biến rất cực đoan khiến cả nước đều trong tình trạng khô hạn. Đối với lưu vực sông Hồng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc cấp nước đổ ải phục vụ sản xuất nông nghiệp cho đồng bằng Bắc Bộ nên Bộ TN&MT nhất trí với những kiến nghị của EVN để tích nước hồ chứa thủy điện Hòa Bình từ nay đến cuối năm.

Cùng với đó, Thứ trưởng Bộ TN&MT đề nghị Bộ NN&PTNT cần tính toán thay đổi mùa vụ, chuyển đổi cây trồng từ lúa nước sang cây trồng ít dùng đến nguồn nước hơn, đồng thời tính toán kỹ càng xem có cần các hồ thủy điện xả 3 đợt để phục vụ đổ ải như các năm trước hay không để lượng nước đổ ải vụ Đông Xuân càng giảm càng tốt nhằm tiết kiệm nguồn nước – nguồn tài nguyên quốc gia.

Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị Tổng cục Khí tượng Thủy văn, EVN tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình lưu lượng nước về hồ thủy điện để đến 15/11, Bộ sẽ chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành liên quan có văn bản báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về tình trạng khô hạn này để có giải pháp lâu dài.


  • Theo EVN